Nhận được tin nhắn của bà bạn già trong câu lạc bộ khiêu vũ, cụ Hồng 70 tuổi cứ ngẩn tò te. Sau một hồi suy luận không có kết quả, cụ gọi điện cho cô con gái út để hỏi: "Con ơi, thế 'hihi', 'he...he' có nghĩa là gì?".
Đây không phải là lần đầu tiên, cụ Hồng phải nhờ đến con gái giải mã cho những từ ngữ khó hiểu từ tin nhắn. Và mỗi lần như vậy, chị An lại phì cười vì các câu hỏi của bố mình.
Chị An tiết lộ, sử dụng điện thoại gần một năm, nhưng bố chị (cụ Hồng) mới tập tành chức năng nhắn tin được 3 tháng. Mỗi lần nhắn tin hoặc đọc tin gửi đến, mặt ông cụ cứ căng như dây đàn, kính cận ghé sát trông rất vất vả. Chị An hướng dẫn rất nhiều lần nhưng cụ vẫn nhầm lẫn lung tung, cứ loạn lên hỏi dấu cách, rồi làm thế nào để viết hoa đúng tên người, dấu chấm dấu phảy ở đâu... "Thật cơ là khổ", chị An than.
Trước đây, chị sắm cho cụ chiếc di động tàng tàng 800.000 đồng, nhỏ gọn xinh, ít chức năng chỉ phục vụ nhu cầu nghe gọi. Đùng một cái, tham gia các hoạt động xã phường, hội người cao tuổi rồi câu lạc bộ khiêu vũ, cụ về nhà đề xuất con gái phải tìm mua cho chiếc điện thoại có màn hình rộng, bàn phim to để dễ nhìn chữ. "Thỉnh thoảng đọc tin nhắn của mẹ tôi gửi cho bố hoặc bố gửi cho mẹ mà không khỏi phì cười. Cụ ông nhắn: 'Bà chờ tôi, tôi đang dở việc'. Cụ bà đáp lại: 'Ông cứ tự nhiên, cứ ok", chị An kể.
Mới đây, ông Phúc ở Đống Đa, Hà Nội cũng than thở chuyển cháu chắt nhắn tin cho ông bà mà luận mãi không ra. Đã chật vật đeo kính, căng mắt đọc cái màn hình bé tý, ông lại phải đánh vật với những câu chữ không dấu. Lâu lâu lại quay sang hỏi cô con dâu: "Con ơi keke là cái gì, Sao thằng Bin lại nhắn tin cho ông là 'keke' rồi lại 'ặc, ặc' như vậy? Mỗi lần như vậy cả nhà lại phì cười, rồi cô con dâu giải thích đó là ngôn ngữ của bọn trẻ".
Chị Hạnh ở Hào Nam, Hà Nội kể chuyện "cụ bà" nhà chị nhận tin nhắn rác. Có lần, cụ nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ 0124xxx với nội dung "một người hâm mộ có nhờ tổng đài tặng bạn bài hát và hình ảnh hot nhất trong tháng. Muốn biết người ấy là ai và món quà là gì? Hãy soạn tin nhắn gửi tới số...", mặt cụ căng thẳng lắm. Cụ cứ băn khoăn không biết người ấy là ai, lý do tặng quà là gì, ai đang cầm máy để nhắn tin cho mình. Khi biết đây chỉ là những trò lừa, thuê bao di động, cụ chuyển sang lo. Cứ lâu lâu lại bấm dấu "*101#" để kiểm tra tài khoản vì lo nhỡ đâu bị trừ tiền.
Còn cụ ông - thân sinh ra chị Hạnh từ lúc dùng di động, lúc nào cũng tỏ ra tất bật, ghi ghi, chép chép, nhắn tin rồi buôn chuyện. Cụ sử dụng chiếc N72 sành điệu lắm, cũng vào mạng, lướt web, mỗi lần gọi điện thoại, giọng cụ sang sảng, đến hàng xóm cũng nghe tiếng. "Bố tôi còn đang đòi tậu iPhone để tiện cho việc chụp ảnh mỗi chuyến đi du lịch và căn bản là hợp với thời đại công nghệ", chị Hạnh cho biết.
Dù được coi là khá sành điệu trong việc chọn dế, cập nhật các tin tức trong nước và thế giới qua di động, thế nhưng cụ ông vẫn choáng với ngôn ngữ tuổi teen. Cả nhà chị Hạnh được một trận cười bể bụng khi một lần cụ ông thì thầm với con gái rằng: "Bố nhận được tin nhắn có những từ "hihi, ac..ac"... nghĩa là gì hả con".