Giật mình trước kết quả thi giữa học kì với những điểm số không như ý? Muốn bắt đầu lại việc học nhưng chưa biết nên đi từ đâu? Đây sẽ là những bí quyết mách nước rất hữu ích cho bạn đấy. Xin lên bàn đầu ngồi Nhiều bạn rất ngán ngồi bàn đầu và rất thích thú nếu được thầy cô xếp vào những bàn cuối lớp. Thế nhưng đây là một điều bất lợi cho việc học của bạn đấy. Bởi tư tưởng muốn ngồi dưới đa phần nguyên nhân là để ít bị thầy cô chú ý, có thể tha hồ ăn ngủ, làm việc riêng. Như vậy việc học sao không giảm sút được?
Thực tế ngồi bàn cuối lại dễ bị thầy cô chú ý và bị phân tâm khi học. Nguyên do là khi ở vị trí gần cuối lớp, các bạn thường mải mê nhìn ngó xem người này, người kia làm gì. Không chỉ thế, việc ngồi xa thầy cô, xa bảng đen cũng khiến việc học của bạn “trễ nải” bởi dễ bị những câu chuyện ồn ào xung quanh lôi kéo, việc ghi chép bài vở cũng trở nên khó khăn hơn.
Tất nhiên, việc xin chuyển chỗ chẳng dễ. Nhưng nếu thầy cô hay phụ huynh biết bạn muốn chuyển lên để có thể tập trung học hành hơn thì sẽ tạo điều kiện rất nhiều. Ngồi bàn đầu còn có một lợi thế nữa, đó là khi bạn không hiểu bài, hay làm bài sai, các thầy cô chỉ cần “nghía qua” sẽ thấy và hướng dẫn lại ngay cho bạn. Còn nếu ở dưới, đôi khi giáo viên không thể xuống tận nơi, xem hết từng bài. Khi đó, bạn có thể mắc một lỗi sai lặp đi lặp lại nhiều lần mà không được sửa…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa Học lại những vấn đề cơ bản Dù chương trình học đã đi gần hết một nửa chặng đường nhưng bạn đừng nghĩ có thể bỏ qua những cái đã học để học cái mới. Nhất là những môn như anh ngữ, toán, lí, hóa… lại càng cần đến cái cốt lõi. Bài học hôm nay hầu hết bắt nguồn và nâng cao từ bài học hôm qua. Nếu đã lỡ bỏ qua cái cốt lõi thì bạn khó lòng học tốt cái mới được.
Tuy nhiên, để học lại tốn rất nhiều thời gian nên bạn có thể áp dụng phương pháp vừa học cái mới và học lại những cái cũ liên quan đến nó. Như vậy, bạn không bị chậm tiến độ hơn so với bạn bè mà còn nắm bài mới một cách rõ ràng, chính xác hơn. Khó nhất là phải biết tìm ra vấn đề cơ bản liên quan. Học lan man dễ trở thành… công cốc!
Tất nhiên, khi học lại những điều bạn bè đã học qua, bạn còn có nhiều lợi thế và tiết kiệm được công đoạn hơn. Đó là do bạn chỉ phải nắm lấy cái chính và có thể tham khảo, hỏi han thêm bạn bè. Tốt nhất, nên hỏi thầy cô những vấn đề trọng tâm cần học. Chắc chắn rằng, chỉ tốn một vài tuần, bạn sẽ có thể “đua” theo bạn bè, nếu cố gắng.
Tách xa những thú vui gắn bóThời điểm gần cuối năm sẽ có rất nhiều “cám dỗ” teen. Chưa kể đến những thú vui tồn tại quanh năm suốt tháng hay những trò giải trí đã theo chân khiến teen sa sút trong một quãng thời gian dài từ đầu năm học. Thế nên, khi đã quyết tâm “làm lại từ đầu”, bạn cần dẹp bỏ chúng qua một bên với tư tưởng:
“Chưa học bài xong chưa ngủ, chưa làm bài đủ chưa đi chơi”. Ngay cả đó có là tình yêu thì cũng cần “chỉnh đốn” lại đôi chút. Nghĩa là ngoài thời gian cần tập trung học, hai bạn vẫn có thể dành thời gian cho nhau nhưng khi đã học thì ra học. Những chuyện như vừa học bài vừa nhắn tin, ngồi học mà đầu óc thơ thẩn nghĩ đến buổi hẹn họ buổi chiều là rất nên tránh.
Tất nhiên, không phải vì thế mà ép bạn một lịch học căng thẳng và kín mít không có thời gian giải trí. Vui chơi đúng mực, điều độ và không quá đà, sẽ giúp ích nhiều cho bạn.
Tích cực học trên lớp và chuẩn bị bài Nhiều bạn nghĩ rằng để học lại tốt nhất nên tìm một gia sự riêng để tiện giảng dạy và bổ sung những khiến thức còn thiếu. Điều đó đúng nhưng việc học trên lớp còn quan trọng hơn thế nữa. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số và khả năng học “đua”của bạn so với bạn bè đồng trang lứa.
Để việc học trên lớp được tốt hơn không mấy khó. Bạn chỉ cần chăm chỉ nghe giảng và tích cực nói lên ý kiến, suy nghĩ của mình và chuẩn bị trước bài vở. Như vậy tiết học không những sẽ rất thú vị mà còn để lại cho bạn những ấn tượng sâu sắc.
Đừng nghĩ rằng việc phát biểu hay chuẩn bị bài trước chỉ làm tốn thời gian. Đúng là bạn cần học cái cơ bản trước, nhưng nếu chỉ đê mê lo cái cũ, không quan tâm đến cái mới thì khó lòng theo kịp bạn bè. Thêm một việc nữa là hãy mau chóng bỏ qua thói quen “bài hôm nay, để ngày mai”, hay “bài ngày mai, cứ để mai tính”. Như vậy, lượng kiến thức bạn tiếp thu sẽ không thể nhanh nhạy bằng việc có học và chuẩn bị trước.
Bắt đầu lại và chuẩn bị cho mình một hành trang vững vàng cho kì kiểm tra sắp tới nhé!